• MXV-Index -% 2,333.18
  • MXV-Index Nông sản -% 1,374.96
  • MXV-Index Năng lượng -% 3,569.26
  • MXV-Index Công nghiệp -% 2,715.66
  • MXV-Index Kim loại -% 1,887.66

Thị trường hàng hóa giữ nhịp tăng điểm nhẹ trong ngày 02.6. Chỉ số MXV Index tăng 24.87 điểm tương đương mức tăng 0.82%.

Nhóm Nông Sản :

Theo Reuters, chính phủ Maroc cho biết sẽ tạm dừng thu thuế đối với đậu tương, hướng dương và hạt cải dầu kể từ ngày 03/06 nhằm mục đích kìm hãm giá dầu ăn nội địa đang tăng vọt. Hầu hết dầu ăn được sử dụng ở Maroc đều đến từ đậu tương nhập khẩu, do đó, việc tạm ngừng thu thuế sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ của quốc gia này trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong báo cáo Bán hàng hàng ngày – Daily Export Sales, Mỹ đã bán 352.000 tấn đậu tương cho Pakistan Đây đã phiên thứ 2 liên tiếp Mỹ bán được đơn hàng xuất khẩu đậu tương lớn. Thông tin trên là yếu tố đã góp phần thúc đẩy lực mua đối với đậu tương trong ngày hôm qua.

Đối với lúa mì, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết nước này gặp khó khăn trong việc xuất khẩu ngũ cốc do các tàu chở hàng đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, đại sứ Ukraine tại Lebanon tố cáo Nga đã đánh cắp 100.000 tấn lúa mì của nước này để vận chuyển đến Syria. Các thông tin trên dấy lên lo ngại nguồn cung ngũ cốc từ Biển Đen sẽ tiếp tục bị thắt chặt và đã hỗ trợ đà tăng của giá lúa mì trong phiên hôm qua.

Kết phiên, lúa mỳ kỳ hạn tăng 1.63% lên mức 1.058,2 Cent/giạ. Đậu tương kỳ hạn tăng 2.31% lên mức 1.729,2 Cent/giạ.

Nhóm Năng lượng:

Giá dầu vẫn tăng dù cho Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+ quyết định tăng thêm sản lượng dầu thô để bù đắp cho sản lượng sụt giảm của Nga.

Trong phiên giao dịch này giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,32 USD (1,1%) lên 117,61 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,61 USD (1,4%) lên 116,87 USD/thùng. Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi gói trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga, bao gồm lệnh cấm ngay lập tức đối với các hợp đồng bảo hiểm mới với các tàu chở dầu của Nga và loại bỏ dần các hợp đồng trong sáu tháng.

Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 5,1 triệu thùng trong tuần trước, so với kỳ vọng giảm 1,3 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng khoảng 650.000 thùng/ngày trong hai tháng tới thay vì mức 432.000 thùng/ngày như hiện tại.

Nhóm Kim loại:

Nhóm kim loại chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ khi giá các loại mặt hàng đồng loạt tăng mạnh do tác động vĩ mô và yếu tố cung cầu. Giá vàng tăng 1,22% lên 1.868,13 USD/ounce. Giá bạc đóng cửa trong sắc xanh sau khi tăng 1,64% lên 22,275 USD/ounce. Giá bạch kim tiếp tục là mặt hàng tăng mạnh nhất trong nhóm kim loại quý, có phiên tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng 3,21% lên 1.028,4 USD/ounce.

Vào ngày hôm qua, báo cáo sử dụng lao động quốc gia (ADP) của Mỹ công bố dữ liệu cho thấy biên chế tư nhân đã tăng 128.000 việc làm trong tháng 5, thấp hơn nhiều so với ước tính đồng thuận là 300.000 việc làm và cho thấy nhu cầu lao động đang bắt đầu chậm lại. Điều này khiến cho tâm lý các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khó đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất do nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái. Dollar index cũng đã giảm trong phiên hôm qua và do đó hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại quý.

Bên cạnh đó, đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và các biện pháp kích thích tăng trưởng của Chính phủ nước này vào các hoạt động sản xuất cũng đã góp phần thúc đẩy nhu cầu bạc và bạch kim trong lĩnh vực công nghiệp. Đối với nhóm kim loại cơ bản, cả đồng và quặng sắt đều có một phiên bứt phá mạnh mẽ với mức tăng hơn 5% lên lần lượt các mức 4,5 USD/pound và 140,37 USD/tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đang được thúc đẩy. Hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng được xem là một trong những biện pháp trọng tâm nhằm khôi phục nền kinh tế của quốc gia này, đã hỗ trợ tiêu thụ đồng và sắt thép cho lĩnh vực xây dựng. Mới đây nhất, Bắc Kinh cũng đã lên kế hoạch trợ cấp cho người mua xe điện nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu tổn thương. Những người nghỉ hưu mua xe điện đăng ký tại thành phố hơn 1 năm trước mua mới vào cuối năm 2022 sẽ nhận được khoản trợ cấp lên tới 10.000 nhân dân tệ. Các kế hoạch “xanh hoá” của Trung Quốc góp phần thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của giá đồng, do vai trò là nguyên liệu đầu vào quan trọng.

Nguồn cung đồng đang có dấu hiệu gián đoạn tại Chile, Peru và Zambia do các xung đột chính trị và lợi ích cũng hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng. Theo báo cáo vào hôm qua, tại Chile, sản lượng đồng tháng 4 tại mỏ Codelco, mỏ đồng lớn nhất thế giới giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mở đồng lớn thứ 2, Collahuasi giảm mạnh 26,5%.

TIN TRONG NƯỚC:

Theo số liệu sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 5 cả nước nhập khẩu 183.064 tấn lúa mì, kim ngạch đạt 65,7 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến 15/5, cả nước nhập khẩu hơn 1,73 triệu tấn lúa mì, tổng kim ngạch đạt 638 triệu USD. So với cùng kỳ 2021, lượng nhập khẩu giảm nhẹ hơn 35.000 tấn, nhưng tổng kim ngạch tăng mạnh 32,53%.

Lượng giảm nhẹ trong khi kim ngạch tăng cho thấy trị giá bình quân mỗi tấn lúa mì nhập khẩu cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trị giá bình quân 368 USD/tấn, tăng tới 35,3% so với cùng kỳ 2021 (tương đương tăng thêm gần 100 USD).

Xét về thị trường nhập khẩu, Australia là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất của Việt Nam với 946.506 tấn (cập nhật theo thị trường hết tháng 4/2022), kim ngạch 352,7 triệu USD. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ thị trường này giảm mạnh gần 250.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *