• MXV-Index -% 2,217.76
  • MXV-Index Nông sản -% 1,348.94
  • MXV-Index Năng lượng -% 3,506.64
  • MXV-Index Công nghiệp -% 2,580.85
  • MXV-Index Kim loại -% 1,681.10

Thị trường hàng hóa tiếp tục giữ nhịp tăng điểm nhẹ khi kết phiên ngày 1/6, chỉ số MXV Index tăng 0.5% tương đương với mức tăng 14.48 điểm.

Nhóm Nông Sản :

Cuộc khủng hoảng ngũ cốc trên thị trường thế giới có thể xảy ra do xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, Ấn Độ và Nga sụt giảm. Các chuyên gia dự đoán của cuộc khủng hoảng lương thực sẽ bắt đầu vào năm 2023.

Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới (lúa mì và ngũ cốc thô) năm 2021/22 tăng 3 triệu tấn mỗi tháng, lên mức kỷ lục 2,3 tỷ tấn, chủ yếu do hiện đại hóa trong trồng ngô.

Theo IGC, sản lượng lúa mì, ngô và hạt bo bo giảm sẽ làm giảm tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu vụ 2022/23 xuống còn 2.251 triệu tấn, tức giảm 40 triệu tấn so với năm trước. Tiêu thụ thức ăn chăn nuôi giảm bởi giá cao và nhu cầu giảm, tổng lượng tiêu thụ sẽ giảm 8 triệu tấn xuống còn 2,27 tỷ tấn, đây là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2015/2016. Thương mại thế giới sẽ giảm 3% xuống 404 triệu tấn, chủ yếu do khối lượng ngô và lúa mạch giảm.

Nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất trên thế giới là Nga và Ukraine. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính, trước khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, 2 nước này chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu của thế giới. Ông Mark Savichenko, chuyên gia phân tích tại Ivolga Capital, nhận xét: Khu vực Biển Đen thậm chí còn được gọi là “giỏ bánh mì của châu Âu”.

Hiện nay, do các cảng Azov và Biển Đen bị phong tỏa, không thể xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Vào tháng 3/2022, Nga đã cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước EAEU cho đến ngày 30/6/2022. Các nhà chức trách liên bang Nga giải thích quyết định này là do nhu cầu đảm bảo an ninh của Liên bang Nga và đảm bảo hoạt động của ngành công nghiệp nước này.

Theo thông tin từ báo chí, quyết định cấm xuất khẩu ngũ cốc của Liên bang Nga nhằm ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thành viên EAEU. Từ đầu năm 2022 cho đến thời điểm lệnh cấm, lượng ngũ cốc xuất khẩu từ Nga sang các nước EAEU đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu được xuất khẩu sang Kazakhstan (kể từ tháng 7/2021, nước này đã nhập khẩu 2,5 triệu tấn ngũ cốc). Các chuyên gia cho biết nước này nhập khẩu để tái xuất khẩu do chênh lệch về giá ngũ cốc.

Nhà phân tích thị trường hàng hóa Oksana Lukicheva của Otkritie Investments dự đoán giá lúa mì trong vụ mới bắt đầu vào tháng 6/2022 sẽ vẫn ở mức cao. Theo bà, cuộc khủng hoảng thiếu hụt lớn lương thực có thể xảy ra sớm nhất là vào mùa đông năm 2023 khi thu hoạch ngũ cốc trên thế giới giảm đáng kể, cũng như sự khó khăn trong chuỗi cung ứng. Trong trường hợp này, an ninh lương thực sẽ có nguy cơ xảy ra ở các quốc gia châu Phi, châu Á và Trung Đông, vốn là những nhà nhập khẩu chủ yếu của khu vực Biển Đen.

Nhóm Năng lượng:

Thị trường quay trở lại trạng thái giao dịch biến động. Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên sáng trước những thông tin tích cực từ Trung Quốc, đặc biệt là khi Thượng Hải cho phép các hoạt động sinh hoạt bình thường như giao thông, cửa hàng,… vận hành trở lại, sau 2 tháng dài đóng cửa để kiểm soát dịch.

Trong khi đó, với việc EU dự kiến cấm nhập khẩu dầu từ Nga, nguồn cung khả năng cao sẽ còn thắt chặt. Một số nhà phân tích kỳ vọng sản lượng dầu của Nga sẽ còn tiếp tục giảm. Tính trong tháng 4, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA sản lượng dầu của Nga đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Sự gia tăng sản xuất của Mỹ và các thành viên khác trong OPEC+ chỉ mới bù đắp được khoảng 300.000 thùng/ngày, tạo ra khả năng tình trạng mất cân bằng cung cầu trên thị trường. Theo báo cáo của Ủy ban Kỹ thuật OPEC+ ngày hôm qua, nhóm đã hạ dự đoán thặng dư thị trường dầu năm 2022 khoảng 500.000 thùng/ngày xuống 1,4 triệu thùng/ngày.

Dù vậy, giá đã nhanh chóng chịu áp lực trở lại trong phiên tối, do lực bán chốt lời. Tâm lý trên thị trường cũng chịu ảnh hưởng sau khi báo cáo Beige Book Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed phát hành cho thấy ngành bán lẻ và bất động sản bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu tiêu cực, khi người tiêu dùng đối mặt với giá cả hàng hóa leo thang trong khi Fed bắt đầu thắt chặt các hỗ trợ cho nền kinh tế.

Rạng sáng nay ngày 02/06, báo cáo vừa được phát hành của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu thương mại giảm nhẹ 1,2 triệu thùng. Với thị trường đang tập trung vào các chính sách vĩ mô và lệnh cấm vận tại Mỹ, EU, Trung Quốc, số liệu này không tạo ra nhiều tác động. Thông tin thực sự đang gây áp lực đến giá hiện tại là Hungary đang yêu cầu thêm nhiều quyền miễn trừ trong chính sách cấm vận Nga, khiến đàm phán cho gói cấm vận thứ 6 của EU gặp khó khăn.

Giá khí tự nhiên tăng mạnh 6,76% lên 8,7 USD/MMBTu, khi Nga ngừng vận chuyển khí đến các công ty lớn ở Đan Mạch, do nước này từ chối thanh toán bằng đồng Rúp. Trước đó, Nga cũng đã ngừng cung cấp một số hợp đồng cho Hà Lan và Đức, khi căng thẳng giữa Nga và EU gia tăng. Điều này tạo ra nhu cầu cho khí tự nhiên tại Mỹ, do EU sẽ còn phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung.

Nhóm Kim loại:

Phiên giao dịch cuối tháng, giá hầu hết các kim loại cơ bản đều giảm. Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,8% xuống 9.468,5 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 5/5 tại 9.591,5 USD/tấn; giá đồng trên sàn Comex giảm 0,1% xuống 4,3 USD/lb. Giá đồng gần đây bị kẹt giữa lúc tăng và giảm, giá trước đó tăng do nhà đầu tư hy vọng việc dỡ bỏ những hạn chế phong tỏa sẽ thúc đẩy nhu cầu.

Đồng LME đã giảm 3,1% trong tháng 5, giảm tháng thứ hai liên tiếp. Nhưng dự trữ kim loại thấp là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh tiềm ẩn trong thị trường này. Tương tự, giá thiếc giảm 0,04% xuống 34.570 USD/tấn, tính chung cả tháng 5 giảm 14%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2021; nhôm giảm 3,4% xuống 2.790 USD/tấn, nickel giảm 2,9% xuống 28.440 USD/tấn, nhưng kẽm tăng 0,1% lên 3.904 USD/tấn, trong khi chì 2.175 USD/tấn.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm ở tốc độ chậm hơn trong tháng 5 do những hạn chế đối với một số nhà máy được dỡ bỏ. Sản lượng đồng tại Chile, nhà sản xuất kim loại này lớn nhất thế giới, trong tháng 4 giảm 9,8% so với cùng tháng năm trước xuống 421.742 tấn.

Giá quặng sắt Trung Quốc chạm 900 CNY (135 USD)/tấn lần đầu tiên trong gần 6 tuần và ghi nhận một tháng tăng, do hy vọng nhu cầu phục hồi sau khi Thượng Hải mở cửa trở lại từ phong tỏa. Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng khoảng 3,8% lên 908 CNY/tấn vào buổi sáng ngày 31/5, nhưng kết thúc phiên chỉ tăng 2,1% lên 893 CNY/tấn và tăng 2,6% trong tháng 5. Giá quặng sắt hàm lượng 62% Fe giao ngay nhập khẩu vào Trung Quốc trong ngày 30/5 không đổi so với phiên trước đó, là 136,5 USD/tấn. Trong khi đó, giá thép thanh giao tháng 10 tăng 1,5% lên 4.684 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 4.789 CNY/tấn, hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 7 giảm 1,2% xuống 18.290 CNY/tấn.

 

TIN TRONG NƯỚC:

Trong 5 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng gần 17%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 41,3 tỷ USD, tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%; nhập khẩu ước khoảng 18,1 tỷ USD, giảm 0,3%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 5,1 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 5, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 18,1% so với tháng 5/2021, tăng 3,8% so với tháng 4/2022. Riêng giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 2 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,7 tỷ USD, thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 32,4 triệu USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; chăn nuôi ước đạt 138,9 triệu USD, giảm 16,2%; các sản phẩm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 59,3%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *