Thị trường hàng hóa tuần qua có sự biến động trái chiều giữa các nhóm sản phẩm. Trong khi nhóm Năng lượng tăng mạnh mẽ thì Nông sản và Kim loại lại cho thấy dấu hiệu bán tháo. Kết phiên cuối tuần, chỉ số MXV Index giảm 8.52 điểm so với tuần trước, tương đương mức giảm 0.28%.
Nhóm Năng lượng:
Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng Sáu của Mỹ tăng 1,51 USD, hay 1,4%, lên chốt phiên cuối tuần ở mức 109,77 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Bảy tăng 1,49 USD, hay 1,3%, lên 112,39 USD/thùng. Cả hai loại dầu cùng tăng 4.9% trong cả tuần.
Đầu tuần này, EU đã đề xuất việc từng bước dừng nhập khẩu năng lượng của Nga trong vòng 6 tuần. Kế hoạch này cần được sự thông qua của toàn bộ 27 nước thành viên và vẫn có có những trở ngại, khi Hungary muốn có nhiều thời gian hơn và sự hỗ trợ của EU để tạo để thực hiện điều này.
Nhà phân tích thị trường của Oanda (Mỹ), Edward Moya, cho rằng giá dầu sẽ tăng khi các nhà giao dịch đánh giá đầy đủ về các lệnh trừng phạt sắp tới nhằm vào dầu mỏ của Nga và nếu giá dầu giảm thì đây cũng sẽ là xu hướng ngắn hạn.
Trong khi đó, người phụ trách chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, Ole Hansen, cho rằng giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ thông báo của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 5/5 về việc mua vào dầu thô tranh thủ giá giảm để làm đầy trở lại kho dự trữ chiến lược kể từ cuối năm 2023. Ngưỡng kháng cự của giá dầu Brent sẽ là khoảng 115 USD/thùng và ngưỡng hỗ trợ là 110 USD/thùng./.
Nhóm Nông sản:
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 6/5 thông báo giá lương thực thực phẩm thế giới giảm trong tháng 4/2022 sau khi tăng vọt trong tháng trước đó, dẫn đến giá dầu thực vật và ngũ cốc giảm.
Chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 158,5 điểm vào tháng 4/2022, giảm 0,8% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng Ba. Tuy nhiên, chỉ số theo dõi những thay đổi hàng tháng trong giá quốc tế của rổ hàng hóa thực phẩm thường được giao dịch này vẫn cao hơn 29,8% so với tháng 4/2021.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã giảm 5,7% trong tháng Tư, giảm gần 1/3 mức tăng vào tháng 3/2022, do nhu cầu phân bổ đã đẩy giá dầu cọ, hướng dương và đậu nành xuống.
Nhà kinh tế trưởng của FAO, Máximo Torero Cullen, cho rằng sự sụt giảm nhẹ của chỉ số này là một sự cứu trợ đáng hoan nghênh, đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp bị thâm hụt lương thực, nhưng giá lương thực vẫn ở gần mức cao gần đây phản ánh sự thắt chặt thị trường dai dẳng và đặt ra thách thức về an ninh lương thực toàn cầu đối với những người dễ bị tổn thương nhất.
Giá dầu thực vật và giá ngô giảm nhẹ sau đợt tăng gần đây, trong khi giá gạo, thịt, sữa tăng nhẹ và triển vọng thương mại toàn cầu vẫn mờ nhạt. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đã giảm 0,7 điểm trong tháng 4/2022, thúc đẩy giá ngô thế giới giảm 3%. Tuy nhiên, giá lúa mì thế giới tăng 0,2%, trong khi giá gạo thế giới tăng 2,3% so với mức tháng 3/2022 do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc và khu vực Cận Đông.
Chỉ số giá thịt của FAO tăng 2,2% so với tháng trước, lập mức cao kỷ lục mới khi giá thịt gia cầm, thịt lớn và bò tăng lên. Giá thịt gia cầm bị ảnh hưởng do gián đoạn xuất khẩu từ Ukraine và dịch cúm gia cầm gia tăng ở Bắc bán cầu. Chỉ số giá sữa của FAO cũng tăng 0,9% do nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt dai dẳng do sản lượng sữa ở Tây Âu và châu Đại Dương tiếp tục thấp hơn. Giá bơ thế giới tăng mạnh nhất do nhu cầu tăng cao liên quan đến tình trạng khan hiếm dầu hướng dương và bơ thực vật hiện nay.
Ước tính mới của FAO về dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối mùa vụ năm 2022 hiện ở mức 856 triệu tấn. Theo FAO, nếu được xác nhận, tỷ lệ dự trữ ngũ cốc trên toàn cầu sẽ không thay đổi ở mức “nguồn cung tương đối dễ chịu” là 29,9%. FAO vẫn dự đoán sản lượng lúa mì toàn cầu sẽ tăng vào năm 2022, lên 782 triệu tấn. Dự báo này bao gồm sự sụt giảm 20% diện tích thu hoạch dự kiến ở Ukraine cũng như sự sụt giảm sản lượng do hạn hán ở Morocco./.
Nhóm Nguyên liệu Công nghiệp:
Hiệp hội Người trồng cà phê Quốc gia Colombia (FNC) cho biết sản lượng cà phê Colombia tháng 4/2022 đạt 750.000 bao loại 60 kg, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng sụt giảm thứ bảy liên tiếp.
Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng này của Colombia trong tháng 4/2022 giảm 18% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 845.000 bao. Trong tháng 1-4/2022, sản lượng cà phê của quốc gia Mỹ Latinh này giảm 15% so với cùng kỳ niên vụ trước và đạt 3,46 triệu bao, trong khi xuất khẩu giảm 12% so với cùng kỳ niên vụ trước và đứng ở mức 3,98 triệu bao.
FNC cho rằng sản lượng giảm là do điều kiện thời tiết bất lợi từ nhiều tháng nay, trong đó mưa lớn và mây mù làm chậm quá trình ra hoa của cây cà phê.
Tuy sản lượng và khối lượng cà phê xuất khẩu sụt giảm mạnh, các chuyên gia cho rằng người nông dân Colombia vẫn có lợi nhuận tốt, do giá cà phê trên thị trường quốc tế hiện ở mức cao nhất trong những năm gần đây.
Ngoài ra, các nhà xuất khẩu nước này cũng được hưởng lợi từ tỷ giá giữa đồng nội tệ peso so với đồng USD. Hiện giá trị của đồng peso đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Colombia, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới sau Brazil và Việt Nam, đã thu hoạch tổng cộng 14,8 triệu bao cà phê trong năm 2019, mức cao nhất trong 27 năm trước đó.
Nhóm Kim loại:
Nhóm vận động Giao thông và Môi trường (T&E) ngày 3/5 cho biết dữ liệu cho thấy lượng nickel và lithium có đủ để sản xuất tới 14 triệu ô tô điện (EV) trên toàn cầu vào năm 2023.
Vì vậy châu Âu cần đảm bảo cần nhiều nguyên liệu thô để dịch chuyển khỏi dầu mỏ nhanh hơn.
Một nghiên cứu dựa theo số liệu của hãng BloombergNEF về khối lượng tối đa toàn cầu của nickel và lithium dùng để sản xuất pin EV, T&E cho rằng sẽ có đủ nguồn nguyên liệu thô để sản xuất 21 triệu chiếc EV trên toàn cầu vào năm 2025.
Không tính Nickel của Nga, T&E cho rằng lượng nguyên liệu thô sẽ đủ cho 19 triệu chiếc EV vào năm 2025. Doanh số EV toàn cầu tăng gấp hai lần trong năm 2021 khi tăng từ 2 triệu chiếc EV năm 2020 lên 4.2 triệu chiếc. Công ty tư vấn ngành ô tô LMC dự báo doanh số bán EV toàn cầu sẽ đạt 9 triệu chiếc vào năm 2023 và 14.2 triệu chiếc vào năm 2025.
Giá nguyên liệu sản xuất pin EV đã tăng vọt trong năm vừa qua, với nickel để sản xuất pin phá vỡ kỷ lục mới sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine do Nga là nhà sản xuất nickel lớn hàng đầu thế giới./
TIN TRONG NƯỚC:
Xuất khẩu gạo năm 2022 có thể đạt 6,5 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 nhờ nhu cầu khả quan của các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống, các nước khác cũng tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo tiêu dùng và dự trữ quốc gia.
Trong báo cáo ngành lương thực, CTCK BIDV (BSC) cho biết trong quý I Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,5 triệu tấn gạo, tương đương 731 triệu USD, tăng 26% về lượng và tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
BSC cho rằng ngành lương thực có thể được hưởng lợi sau xung đột chính trị Nga – Ukraine. Việc gián đoạn nguồn cung lúa mì và ngô ở hai nước xuất khẩu hàng đầu đã khiến giá cả các loại thực phẩm tăng cao.
Mới đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) điều chỉnh giảm với dự báo thương mại ngũ cốc thế giới trong năm 2022 xuống còn 469 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2021.
Nguyên nhân là diện tích và sản lượng thu hoạch lúa mì ở Ukraine giảm mạnh trong khi các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ, châu Âu, Mỹ chỉ bù đắp được một phần.
Trong bối cảnh căng thẳng chính trị, lạm phát leo thang, thu nhập của người dân trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng đáng kể, người tiêu dùng có xu hướng tăng sử dụng các loại lương thực có giá thấp như gạo.
Ngoài ra, một động lực khác cho xuất khẩu gạo của Việt Nam là các quốc gia ngoài chiến sự cũng tăng nhu cầu tích trữ lương thực và sản phẩm thay thế nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
BSC nhận định từ yếu tố trên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ duy trì trạng thái tích cực trong 2022.