Sắc xanh bao trùm thị trường hàng hóa ngày 12.5 khi cả 4 nhóm ngành đều tăng trưởng mạnh. Kết phiên chỉ số MXV Index tăng 67.2 điểm tương đương mức tăng 2.34%.
Nhóm Năng lượng Dẫn đầu đà tăng khi dầu WTI đóng cửa tại mức 105.71 USD/Thùng, tương đương mức tăng 5.96%. Dầu Brent tăng 4.93% lên mức 107.51 USD/Thùng.
Yếu tố chính chi phối thị trường trong phiên này là thông tin luồng khí đốt của Nga chuyển đến châu Âu qua Ukraine đã giảm 1/4 sau khi Kiev ngừng sử dụng một tuyến đường trung chuyển chính, đổ lỗi cho sự can thiệp của lực lượng quân sự Nga. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nga hôm 11/5 đã trừng phạt 31 công ty có trụ sở tại các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này. Những động thái trên làm dấy lên lo ngại rằng các gián đoạn tương tự có thể xảy ra ngay cả khi giá đã tăng vọt.
Liên minh châu Âu (EU) đã đe dọa cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga, mặc dù các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục. Do Nga đóng vai trò là nhà xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu lớn nhất cho khối này, sự gián đoạn – dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn – đã khiến thị trường trên khắp thế giới thắt chặt, đặc biệt là đối với các sản phẩm tinh chế như dầu diesel.
Nhóm Nông sản:
Trên sàn giao dịch Chicago hợp đồng đậu tương tăng 0,7% lên mức 15,96 USD/bushel, sau khi giảm xuống 15,78 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 4/4.
Giá lúa mì tăng 1/4 cent lên 10,93 USD/bushel, trong khi giá ngô tăng 0,4% lên 7,74-3/4 USD/bushel.
Theo khảo sát các nhà phân tích của Reuters, dự trữ ngô cuối vụ của Mỹ ở mức 1,352 tỷ bushel cho niên vụ 2022/23 và 1,412 tỷ cho niên vụ 2021/22.
Cả ngô và đậu tương đều tăng từ mức thấp nhiều tuần đạt được trong phiên trước đó khi chúng bị áp lực bởi giá dầu thô đang giảm và việc gieo trồng cải thiện trên khắp Midwest.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đánh giá 29% sản lượng lúa mì mùa đông của Mỹ ở tình trạng tốt đến xuất sắc, tăng 2% so với tuần trước và cải thiện lớn hơn so với dự kiến của hầu hết các nhà phân tích, nhưng vẫn nằm trong số xếp hạng thấp nhất cho thời điểm này trong năm.
Việc trồng ngô bị trì hoãn trong bối cảnh điều kiện ẩm ướt, lạnh giá đã khiến một số thương nhân dự đoán chuyển sang trồng đậu tương, nhưng các điều kiện cải thiện trên phần lớn vùng Trung Tây Mỹ đã đẩy nhanh tiến độ trồng trọt.
Thời tiết khô hạn ở Pháp sẽ có tác động tiêu cực đến sản lượng ngũ cốc vụ đông năm nay, làm giảm năng suất đối với một số loại cây trồng.
Lúa mì giảm dần khi lượng mưa gần đây trên khắp các vùng của Đồng bằng Mỹ đã dập tắt các vụ mùa đông do hạn hán gây ra.
Nhóm Kim loại:
Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất nửa điểm phần trăm trong tuần trước và cho biết có thể tăng trong hai đến ba cuộc họp tiếp và sau đó đánh giá xem nền kinh tế và lạm phát đang phản ứng thế nào trước khi quyết định liệu có cần tăng tiếp hay không.
Trong khi đó lợi nhuận của các nhà sản xuất thép thấp và việc kiểm soát sản lượng thép tổng thể đã hạn chế việc tăng cường sản xuất và làm giảm nhu cầu đối với các thành phần sản xuất thép.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã giảm khoảng 7% xuống 756 CNY (112,71 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 16/3. Khi đóng cửa quặng sắt giảm 4,1% xuống 779 CNY/tấn, giảm ngày thứ 3 liên tiếp.
Trên sàn giao dịch Singapore quặng sắt kỳ hạn tháng 6 giảm 3,1% xuống 123,45 USD/tấn.
Giá thép tại Thượng Hải cũng giảm, với thép thanh kỳ hạn tháng 10 giảm 1,5% xuống 4.607 CNY/tấn và thép cuộn cán nóng giảm 1,7% xuống 4.698 CNY/tấn.
Nhóm Nguyên liệu công nghiệp: Trên thị trường thế giới, giá cà phê quay đầu tăng mạnh. Theo đó, giá cà phê robusta tại London giao tháng 5/2022 được ghi nhận tại mức 2.070 USD/tấn sau khi tăng 3,45% (tương đương 69 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại New York đạt mức 220,1 cent/pound, tăng 7,89% (tương đương 16,1 US cent).
Quy mô thị trường cà phê nhân toàn cầu đã đạt 34,03 tỷ USD vào năm 2020. Giá trị thị trường ước tính sẽ tăng từ 35,40 tỷ USD vào năm 2021 lên 47,22 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 4,20% trong giai đoạn dự báo.
Thị trường đang tăng trưởng nhờ nhận thức của người tiêu dùng ngày càng cao về các lợi ích sức khỏe khác nhau của cà phê. Mặt hàng nông sản này đang dần góp mặt trong các sản phẩm dinh dưỡng xuất hiện trên thị trường.
Cà phê nhân đã trở nên phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới trong vài năm qua. Nhu cầu của loại cà phê này đang tăng lên do xu hướng ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với thực phẩm chức năng và đồ uống bổ sung chế độ ăn uống.
TIN TRONG NƯỚC:
Sau hai tháng sụt giảm liên tiếp do ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine, xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Nga đã phục hồi và tăng mạnh trở lại trong tháng 4. Trái lại, giao thương với Ukraine tiếp tục giảm sâu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga trong tháng 4 đạt 79 triệu USD, tăng mạnh 68% so với tháng trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào Nga, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng cao như: Hàng dệt may đạt gần 19 triệu USD, tăng 152,2%; Cà phê đạt 18,4 triệu USD, tăng 211,4%; thủy sản đạt 7,5 triệu USD, tăng 188,3%; rau quả tăng 97,3%…
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cao su sang thị trường Nga trong tăng tới hơn 6 lần trong khi hồ tiêu tăng gấp gần 10 lần so với tháng trước. Ngoài ra, gạo, sắt thép và sản phẩm gốm, sứ cũng được xuất khẩu trở lại vào thị trường Nga sau một tháng bị gián đoạn.
Mặc dù vậy, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga như: Giày dép, chè, điện thoại các loại… tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga tuy đã có tín hiệu tích cực hơn song nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với trước khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra. Điều này dẫn đến tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga trong 4 tháng đầu năm nay giảm 43,9% so với cùng kỳ, xuống còn 621,9 triệu USD.