• MXV-Index -% 2,197.55
  • MXV-Index Nông sản -% 1,225.37
  • MXV-Index Năng lượng -% 3,194.74
  • MXV-Index Công nghiệp -% 2,833.99
  • MXV-Index Kim loại -% 1,850.27

Sắc xanh bao trùm thị trường Năng lượng là tác nhân chính cho sự tăng trưởng mạnh của thị trường hàng hóa ngày hôm qua. Với mức tăng 43.48 điểm, chỉ số MXV Index đóng cửa tại 3.029,15 điểm, tương đương mức tăng 1.46%.

Nhóm Năng lượng:

Trong phiên giao dịch 13/4, giá dầu thế giới đi lên, giữa những lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung, khi các nhà giao dịch dầu dự kiến sẽ “xa lánh” nguồn dầu từ Nga.

Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 4,14 USD (4%) lên 108,78 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 3,65 USD (3,7%) lên 104,25 USD/thùng. Trong phiên trước đó, giá cả hai mặt hàng này đều tăng hơn 6%.
Thị trường dầu mỏ đã biến động mạnh khi các nhà giao dịch lẫn người tiêu dùng cố gắng định lượng tình trạng gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu dầu khí hàng ngày của Nga, với các ước tính giảm từ 1-3 triệu thùng/ngày.

Theo một số nguồn tin, các nhà kinh doanh lớn trên toàn cầu đều kế hoạch giảm mua dầu thô và nhiên liệu từ các công ty dầu khí quốc doanh của Nga sớm nhất là vào 15/3, để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.

Cùng ngày 13/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới. IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2022 trung bình ở mức 99,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, song vẫn cao hơn 1,9 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.

Nhóm Nông sản:  

Tình hình hạn hán từ ngày 5/4 tại Mỹ tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng Lúa mỳ vụ đông của Mỹ. Tuy vậy Bộ Thương mại Mỹ đã đánh giá 32% lúa mì mùa đông của Mỹ ở tình trạng tốt đến xuất sắc, tăng hai điểm so với một tuần trước và cao hơn mức trung bình kỳ vọng của các nhà phân tích. Theo chính phủ Mỹ có khoảng 69% sản lượng lúa mì vụ đông của Mỹ nằm trong khu vực bị hạn hán. Cùng với việc xuất khẩu lúa mì từ Ukraine và Nga vẫn bị cản trở do tình hình chiến sự ảnh hưởng đến các chuyến hàng từ Biển Đen.

Giá ngô cũng được hỗ trợ do một số doanh nghiệp tư nhân bán ngô Mỹ cho Trung Quốc và giá dầu thô tăng cao. Dự báo sản lượng toàn cầu của USDA thấp hơn đã hỗ trợ giá đậu tương ngay cả khi nhu cầu của Trung Quốc giảm làm ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu chung.

Kết phiên, Lúa mỳ kỳ hạn tăng 0.89% lên mức 1.113,40 Cent/giạ. Ngô kỳ hạn tăng 0.93% lên mức 783,4 Cent/giạ. Đậu tương kỳ hạn tăng 0.35% lên mức 1.676 Cent/giạ. Dầu đậu tương tăng 3.55% lên mức 78.11 Cent/Pound.

Nhóm Nguyên liệu Công nghiệp:

Khảo sát vào hồi 7h sáng nay, Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 4/2022 ghi nhận mức 269,6 yen/kg, tăng 0,3% (tương đương 0,8 yen/kg).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 4/2022 được điều chỉnh xuống mức 13.000 nhân dân tệ/tấn, giảm 1,4% (tương đương 185 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.

Cũng trong sáng nay, trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp tục giảm. Theo đó, giá Cafe robusta tại London giao tháng 5/2022 được ghi nhận tại mức 2.091 USD/tấn sau khi giảm 0,33% tương đương 7 USD.

Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại New York đạt mức 225,05 cent/pound, giảm 3,66% (tương đương 8,55 cent).

Hiện, giá cà phê đang chịu áp lực sau khi Tổng thống Nga Putin hôm thứ Ba cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine đang “đi vào ngõ cụt” và chiến tranh là điều sẽ tiếp diễn.

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng việc Nga xâm lược Ukraine sẽ thúc đẩy lạm phát và kiềm chế chi tiêu của người tiêu dùng, kéo theo sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ cà phê

Nhóm Kim loại:

Theo Reuters, số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu sản phẩm thép của nước này đạt 4,95 triệu tấn trong tháng 3, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số thương nhân Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu sang châu Âu để lấp đầy khoảng trống thị trường do chiến tranh Ukraine gây ra, nhưng các nhà phân tích cho rằng kết quả của động thái sẽ được phản ánh trong dữ liệu tháng 4.

Xuất khẩu thép trong ba tháng đầu năm đã giảm 25,5% xuống còn 131,8 triệu tấn.

Nhiều nhà máy thép Trung Quốc phải cắt sản lượng vì đợt dịch COVID-19 mới. Thành phố Đường Sơn bắt đầu lệnh phong toả tạm thời từ hôm 22/3 nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19. Lãnh đạo một công ty thép cho biết các lệnh hạn chế mới  đã cản trở các nhà máy thép bổ sung dự trữ nguyên liệu thô.

Sản lượng thép thô tại Đường Sơn đạt khoảng 131,1 triệu tấn vào năm ngoái, chiếm khoảng 13% tổng sản lượng của Trung Quốc và vượt nhà máy sản xuất thép lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ ( với sản lượng 118 triệu tấn).

TIN TRONG NƯỚC:

Kiên Giang: Sản lượng lúa vụ Đông Xuân đạt hơn 2 triệu tấn

Vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 283.868 ha, vượt 868 ha so với kế hoạch và đến thời điểm này cơ bản đã thu hoạch xong với năng suất bình quân 7,4 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vụ lúa này, sản xuất lúa chất lượng cao chiếm 98,5% diện tích gieo trồng, xây dựng 210 cánh đồng lớn với tổng diện tích 52.277 ha, liên kết tiêu thụ lúa 127 cánh đồng với diện tích 31.496 ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho hay, sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022 hiệu quả. Các địa phương cùng với ngành nông nghiệp đã chủ động ứng phó, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Sở Nông nghiệp xây dựng lịch thời vụ sản xuất một cách hợp lý với từng vùng, tiểu vùng sản xuất trên địa bàn và nông dân tuân thủ khung lịch thời vụ này để gieo sạ, qua đó né sâu bệnh, chống hạn mặn. Chi cục Thủy lợi quản lý, vận hành điều tiết nguồn nước đảm bảo phục cho sản xuất nông nghiệp và vụ lúa Đông Xuân này không bị thiệt hại do hạn mặn.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *