Thị trường hàng hóa ngày 28.3 giảm điểm mạnh mẽ, nguyên nhân do ảnh hưởng từ đà giảm mạnh của Nhóm Năng lượng và Nông sản. Kết phiên, chỉ số MXV Index giảm 90.87 điểm, tương đương mức giảm 2.99%.
Nhóm Năng lượng:
Kết phiên ngày 28.3, giá Dầu Brent Biển Bắc giảm 8,17 USD, hay 6,8%, xuống 112,48 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 7,94 USD, mức giảm gần 7%, và đóng phiên ở mức 105,96 USD/thùng.
Nguyên nhân chính được cho là nhu cầu Dầu tại Trung Quốc giảm do Thượng Hải đang bị phong tỏa nhằm đối phó với dịch Covid 19 đang tăng mạnh. Ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích hàng hóa trưởng của ngân hàng SEB (Thụy Điển), cho biết nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, được dự đoán sẽ giảm 800.000 thùng/ngày so với mức bình thường trong tháng Tư.
Bên cạnh đó, hy vọng về khả năng tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, có thể bắt đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/3, cũng đè nặng lên giá dầu. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại rủi ro vì lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Mỹ. Nếu Châu Âu đồng thuận và tẩy chay dầu Nga có thể sẽ xảy ra thâm hụt nguồn Cung dầu.
Chia sẻ với CNBC, bà Helima Croft, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính RBC, cho hay “Tôi vẫn lạc quan về triển vọng giá dầu vì hiện chưa thấy bất kỳ ngã rẽ nào cho cuộc chiến ở Ukraine”.
Ở cuộc phỏng vấn khác với CNBC, ông Francisco Blanch, trưởng bộ phận giao dịch hàng hóa và phái sinh của Bank of America, dự đoán giá xăng dầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng cũng sẽ tăng do ảnh hưởng của chiến sự tại Đông Âu và thiếu hụt kho lưu trữ dầu mỏ. Điều này có thể làm tăng giá Dầu trong tương lai.
Nhóm Nông sản:
Theo Reuter, ngày 27 tháng 3 – Ukraine lần đầu xuất khẩu Ngô sang châu Âu bằng tàu hỏa khi các cảng biển của nước này vẫn bị phong tỏa do sự xâm lược của Nga, công ty tư vấn nông nghiệp APK-Inform cho biết.
APK-Inform cho biết tuần trước, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine có thể đạt tổng cộng 44 triệu tấn trong niên vụ 2021/22 tháng 7 đến tháng 6. Dự kiến sẽ chỉ có 1 triệu tấn ngũ cốc rời khỏi đất nước từ tháng 3 đến tháng 6 do các vấn đề hậu cần.
Cũng theo Reuters – Nga giữ xuất khẩu lúa mì ổn định qua các cảng Biển Đen trong tuần trước khi các tuyến đường trên Biển Azov vẫn bị hạn chế, các nhà phân tích cho biết hôm thứ Hai, trong khi giá ngũ cốc trong nước tiếp tục tăng do sự suy yếu gần đây của đồng rúp. Sovecon, một công ty tư vấn khác, cho biết Nga đã xuất khẩu 400.000 tấn ngũ cốc vào tuần trước so với 520.000 tấn một tuần trước đó. Tại thị trường trong nước, giá lúa mì tính bằng đồng rúp tiếp tục tăng để phản ánh sự mất giá trước đó của đồng tiền Nga so với đồng USD. Các vùng phía nam của Nga đã bắt đầu gieo hạt mùa xuân trong bối cảnh thời tiết thuận lợi. Tính đến ngày 18 tháng 3, hạt vụ xuân đã được trồng trên 222.000 ha so với 178.000 ha cùng ngày một năm trước.
Kết phiên, giá Lúa Mỳ kỳ hạn tháng 5 giảm 4.10% về mức 1.057 Cent/giạ. Ngô kỳ hạn tháng 5 giảm 0.74% về mức 748,4 Cent/giạ.
Nhóm Nguyên liệu Công nghiệp:
Nối dài chuỗi ngày ổn định; giá cao su kỳ hạn sụt giảm
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 3/2022 ghi nhận mức 254 yen/kg, giảm 1,28% (tương đương 3,3 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h10 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 4/2022 được điều chỉnh xuống mức 13.265 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,38% (tương đương 50 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong hai tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 84,2 nghìn tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 177,74 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cà phê arabica kỳ hạn giảm hơn 3%.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt giảm. Theo đó, giá cà phê robusta tại London giao tháng 5/2022 được ghi nhận tại mức 2.140 USD/tấn sau khi giảm 0,37% (tương đương 8 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại New York đạt mức 214,55 US cent/pound, giảm 3,29% (tương đương 7,3 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h10 (giờ Việt Nam).
Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA) cho biết, xuất khẩu cà phê của quốc gia này trong tháng 2/2022 đã giảm 20% so với lượng xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái xuống còn 448.957 bao loại 60kg. Nguyên nhân là do tình trạng hạn hán đã làm giảm sản lượng ở một số vùng trồng trọt trọng điểm của quốc gia Đông Phi này.
Nhóm Kim loại:
Giá đồng và nikel ngày 28/3/2022 cùng giảm do dịch Covid-19 đã hạn chế việc tiêu thụ các kim loại hàng đầu Trung Quốc, làm giảm nhu cầu và làm tăng lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, trong khi đồng USD Mỹ cũng đè nặng lên giá.
Trên sàn giao dịch London giá đồng kỳ hạn 3 tháng giảm 0,6% xuống 10.208 USD/tấn, trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giá đồng giảm 0,7% xuống 73.090 CNY (tương đương 11.466,36 USD)/tấn.
Giá Nikel tại Thượng Hải giảm tới 15% xuống 213.180 CNY/tấn, sau khi công bố mức tăng kỷ lục hàng tuần vào thứ Sáu(25/3).
Giá các kim loại khác cũng có sự thay đổi: Nhôm tăng 0,6% lên 3.627 USD/tấn, kẽm tăng 0,4% lên 4.082,50 USD/tấn, chì giảm 0,9% xuống 2.330,50 USD/tấn và thiếc tăng 0,8% lên 42.620 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải giá nhôm tăng 0,1%, giá kẽm tăng 0,3%, giá chì tăng 0,3%, trong khi giá thiếc giảm 1%.
TIN TRONG NƯỚC: Giá lúa gạo tiếp tục tăng 200 – 400 đồng/kg
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (28/3) ghi nhận, lúa OM 18 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.000 – 6.200 đồng/kg. Các giống lúa còn lại không có biến động mới, thu mua ở mức giá cũ so với tuần trước. Cụ thể, lúa Jasmine tiếp tục có giá 5.700 – 5.900 đồng/kg, lúa IR 50404 chững lại với giá 5.600 – 5.800 đồng/kg, Nàng Hoa 9 giao dịch với giá 5.800 – 5.900 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 – 12.000 đồng/kg, Đài Thơm giữ mức 5.800 – 6.100 đồng/kg, lúa Nhật đi ngang với giá 8.000 – 8.500 đồng/kg.
Trừ lúa OM 18, hai giống lúa còn lại tiếp tục ổn định trong hôm nay. Theo đó, OM 5451 thu mua ở mức 5.700 – 5.800 đồng/kg và OM 380 duy trì giá 5.500 – 5.600 đồng/kg.
Theo khảo sát, giá nếp hôm nay tăng từ 200 – 400 đồng/kg. Trong đó, nếp vỏ (tươi) tăng 400 đồng/kg, hiện có giá là 5.700 – 5.900, nếp Long An (tươi) có giá 5.700 – 5.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tuần trước. Riêng nếp ruột chững lại, hiện có giá thu mua trong khoảng 14.000 – 15.000 đồng/kg.