Thị trường hàng hóa có tuần tăng điểm mạnh mẽ khi kết phiên cuối tuần, chỉ số MXV Index tăng 125.47 điểm, tương đương mức tăng 4.27% cho cả tuần.
Nhóm Năng lượng:
Cả dầu Brent Biển Bắc và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều có tuần tăng giá đầu tiên kể từ tháng Tư, trong tuần giao dịch vừa qua. Các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ xuất kho dự trữ 60 triệu thùng dầu trong vòng sáu tháng tới. Mỹ cũng có kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược được công bố trong tháng 3.
Nhưng giá dầu đã tăng trở lại trong hai phiên liên tiếp sau đó trong bối cảnh tình trạng phong tỏa tại thành phố Thượng Hải được nới lỏng và do sản lượng dầu và khí đốt ngưng tụ của Nga giảm xuống mức thấp của năm 2020 và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo không có khả năng “lấp” khoảng trống nguồn cung năng lượng từ Nga.
Bước sang phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua (14/4) trước khi thị trường nghỉ lễ từ ngày 15/4, giá dầu quay đầu giảm nhẹ, giữa bối cảnh giới đầu tư đang cân nhắc giữa mức tăng dự trữ dầu lớn hơn dự kiến của Mỹ và sự thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Tính chung cả tuần, cả dầu Brent Biển Bắc và dầu WTI đều tăng khi thị trường “vàng đen” bị chi phối chủ yếu bởi tình trạng nguồn cung thắt chặt.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan (Mỹ), việc giải phóng khoảng 1,3 triệu thùng/ngày từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong sáu tháng tới sẽ đủ để bù đắp tình trạng thiếu hụt 1 triệu thùng/ngày từ Nga.
Nhưng dù động thái này sẽ giúp làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay lập tức, song các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu hụt mang tính cơ cấu và các kho dự trữ sẽ cần được bổ sung.
Kết phiên cuối tuần, giá Dầu Brent tăng 8.68% lên mức 111.70 USD/Thùng. Dầu WTI tăng 8.84% lên mức 106.95 USD/Thùng.
Nhóm Nông sản:
Dưới ảnh hưởng từ giá Dầu, các mặt hàng nông sản chủ chốt tiếp tục có một tuần tăng giá. Sự lo ngại về gián đoạn nguồn cung do chiến sự Nga – Ukraine ngày càng căng thẳng, cùng với chi phí vận chuyển tăng cao. Viễn cảnh về cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu ngày càng trở nên rõ nét hơn.
Kết phiên cuối tuần, Lúa mỳ kỳ hạn tăng 4.28% lên mức 1.096,4 Cent/giạ. Ngô kỳ hạn tăng 2.81% lên mức 790.2 Cent/giạ.
Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng giảm do nguồn cung tăng lên. Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 364-368 USD/tấn, giảm so với mức 365-369 USD/tấn trong tuần trước do đồng rupee suy yếu và nhu cầu cao sau khi chính phủ gia hạn kế hoạch cung cấp ngũ cốc miễn phí cho người nghèo.
Nhà xuất khẩu tại Kakinada, Andhra Pradesh, cho biết nguồn cung đang tăng lên nhờ hoạt động xay xát vụ mùa mới và chính phủ “giải phóng” kho lương thực của vụ thu hoạch năm 2021.
Bộ Khí tượng Ấn Độ cho biết mặc dù tình hình gió mùa tại nước này dự kiến sẽ bình thường trong năm nay, song các vùng trồng chè, cao su và lúa gạo ở Đông Bắc Ấn Độ và các phần phía Nam của nước này có thể nhận được lượng mưa dưới mức bình thường.
Trong khi đó, theo dữ liệu sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp, mưa lũ vào đầu tháng 4/2022 đã làm hư hại khoảng 6.500 ha diện tích đất trồng lúa tại nước láng giềng Bangladesh.
Bangladesh, vốn là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 35 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ thu hoạch được 20 triệu tấn gạo trong vụ Hè này.
Nhóm Nguyên liệu Công nghiệp:
Khảo sát nhanh hồi 7h sáng nay. Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp tục đi xuống. Theo đó, giá cà phê robusta tại London giao tháng 5/2022 được ghi nhận tại mức 2.087 USD/tấn sau khi giảm 0,19% tương đương 4 USD.
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại New York đạt mức 223,60 US cent/pound, giảm 0,64% tương đương 1,45 cent.
Cũng trong sáng nay, Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 4/2022 ghi nhận mức 285,7 yen/kg, tăng 3,89% (tương đương 10,7 yen/kg).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2022 được điều chỉnh xuống mức 13.170 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,45% (tương đương 60 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Nhóm Kim loại:
Các nhà sản xuất thép Nhật Bản cảnh báo giá sẽ ngày càng tăng
Giá của hai nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất thép là quặng sắt và than đã tăng lên khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu cung.
Theo phát ngôn viên của JFE Holdings Inc, đơn vị sản xuất thép của công ty này sẽ tăng giá 20.000 yen/tấn (160 USD/tấn) đối với tất cả các sản phẩm từ tháng 4/2022 để bù đắp cho chi phí than cốc và quặng sắt tăng cao.
Người này cho hay nhiều khả năng giá sẽ vẫn tiếp tục tăng trong năm nay do chi phí vận chuyển không ngừng tăng. JFE ước tính giá thép trung bình của công ty ở mức 115.000 yen/tấn trong quý kết thúc tháng 3/2022.
Nippon Steel Corp. cho biết công ty này đã tăng giá thép tấm trong nước, được sử dụng trong xây dựng và điện tử, 10.000 yen/tấn đối với các hợp đồng giao ngay trong tháng 5/2022. Nhà sản xuất thép lớn nhất của Nhật Bản này đã cảnh báo sẽ cần nhiều đợt tăng giá hơn nữa trong năm nay. Nippon ước tính giá thép trung bình ở mức 130.000 yen/tấn trong quý III/2022.
TIN TRONG NƯỚC:
Tiền Giang đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu
Với diện tích trên 80.000 ha vườn cây ăn trái cùng sản lượng đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm, Tiền Giang là một trong các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng xuất khẩu trái cây rất lớn. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, tỉnh Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cây ăn trái.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, mã số vùng trồng cây ăn trái đã được cấp 281 mã số với hơn 17.600 ha và 728 cơ sở được cấp mã số đóng gói; trong đó, mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 127 mã số với 6 chủng loại cây trồng gồm: thanh long, xoài, mít, dưa hấu, chuối và chôm chôm.
Mã số vùng trồng được cấp sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand là 154 mã số, với 4 chủng loại cây trồng gồm thanh long, xoài, chôm chôm và vú sữa. Để việc cấp mã vùng trồng trái cây đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, tăng cường thiết lập đăng ký, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đống gói luôn được tỉnh quan tâm.
Từ cuối năm 2018, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II tập huấn cho cán bộ quản lý cấp tỉnh, cán bộ kỹ thuật cấp huyện và đại diện các đoàn thể, một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây để thông tin cơ bản về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.