“Ơn giời, cuối cùng giá hàng hóa cũng đã giảm rồi”, là điều mà không chỉ các nhà đầu tư hàng hóa, mà cả các nhà hoạch định chính sách, kinh tế đã phải thốt lên khi thị trường đóng cửa tuần trước. Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022, chỉ số hàng hóa MXV-Index đóng cửa trong sắc đỏ, giảm 1,8% và mất mốc hỗ trợ 3.000 điểm. Giá trị giao dịch tại MXV cũng sụt giảm nhẹ xuống còn trung bình 7.400 tỷ đồng mỗi ngày, nhưng đây lại là tín hiệu tích cực cho thấy tâm lý của giới đầu tư trong nước đã trở nên ổn định hơn nhiều sau các cú shock tăng giá hàng hóa suốt từ năm 2021 tới nay.
Đóng vai trò dẫn dắt toàn thị trường trong tuần trước vẫn là các mặt hàng trong nhóm năng lượng. Giá dầu WTI trên Sở NYMEX giảm 5,5% xuống còn 109,33 USD/thùng và giá dầu Brent trên Sở ICE giảm 4,6% xuống mức 112,67 USD/thùng. Các mặt hàng khác trong nhóm cũng đồng loạt điều chỉnh giảm sau khoảng thời gian tăng phi mã trước đó.
Nhìn biểu đồ giá dầu WTI dưới đây, có thể thấy giá dầu đã điều chỉnh được 38,2% xu hướng tăng kể từ giữa tháng 12 năm ngoái tới nay và vùng giá 104 USD/thùng sẽ tạo thành mức hỗ trợ kỹ thuật tương đối mạnh đối với giá dầu trong ngắn hạn. Vùng 100 – 104 USD sẽ là điểm đảo chiều, có thể quyết định xu hướng của giá dầu trong tuần này.
Vào cuối tuần trước, số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng mạnh 13 giàn lên 663 giàn đang hoạt động, là mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Đây là một chỉ báo cho thấy Mỹ đang nỗ lực tăng sản lượng khai thác, để phần nào bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung 7 triệu thùng/ngày của Nga.
Nhật Bản cũng đã giải phóng dầu thô từ các kho dự trữ tư nhân để hỗ trợ Cơ quan năng lượng quốc tế IEA giải phóng hơn 60 triệu thùng dầu nằm hạ nhiệt đà tăng của giá. Nước này đã giải phóng khoảng 7,5 triệu thùng dầu, tương đương khối lượng dự trữ bắt buộc trong 4 ngày. Hiện nay Nhật Bản đang có kho dự trữ 484 triệu thùng dầu trong kho dự trữ quốc gia và tư nhân, tương đương 241 ngày tiêu thụ nội địa.
Đây đều là các thông tin tích cực hơn về nguồn cung, và đã phần nào khiến giá dầu bước vào giai đoạn điều chỉnh trong tuần trước. Giá đã giảm khá nhiều so với thời điểm giá dầu Brent lên sát mức 140 USD/thùng vào thứ hai tuần trước. Mở cửa phiên sáng nay, giá dầu WTI và Brent đồng loạt giảm mạnh từ 3 – 4 USD/thùng cho thấy thị trường có thể sẽ tiếp tục suy yếu trong tuần này.
Tuần này chắc chắn sẽ là một tuần cực kỳ bận rộn và sôi động đối với thị trường năng lượng, bởi các nhà đầu tư đang nín thở chờ đón một loạt các báo cáo quan trọng, có thể tác động tức thời lên giá dầu sau khi được phát hành. Báo cáo Thị trường dầu của OPEC và báo cáo Dầu khí của IEA sẽ cung cấp các số liệu về sản lượng khai thác thực tế, cũng như cán cân cung – cầu của thị trường dầu trong năm 2022.
Trong khi đó, biên bản họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ, FED vào lúc 01:00 sáng thứ năm sẽ là thông tin đặc biệt quan trọng, có thể tác động lớn lên không chỉ giá dầu, mà còn giá các loại hàng hóa khác. FED hiện đưa ra thông điệp sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên trong lộ trình tăng lãi suất trong năm 2022, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm trong tháng 3 này. Trước đó, Goldman Sachs cho rằng FED sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay, trước tình trạng lạm phát đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại quốc gia này.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ trong tháng 2 đã tăng tới 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đạt 227.000 người, cao hơn so với các dự báo. Tác động từ FED sẽ rất lớn và sẽ là thông tin ảnh hưởng mạnh lên giá dầu trong tuần này.
Nguồn: Bản tin TCKD VTV1