(PLO)- Việc sửa đổi, bổ sung khung pháp lý về hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa là điều cần thiết nhưng cần đảm bảo đúng nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thúc đẩy thị trường phát triển.
Bộ Công Thương đang chủ trì việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 158/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (Sở GDHH) được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 51/2018.
Nhiều nội dung đã được đặt ra và đề xuất sửa đổi để khắc phục những tồn tại, hạn chế tiến tới hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH phát triển bền vững.
Sửa là cần thiết nhưng phải phù hợp
Ban hành kèm theo dự thảo Nghị định là dự thảo tờ trình mà Bộ Công Thương gửi Chính phủ để thuyết minh về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 158 nêu trên.
Theo các chuyên gia pháp lý, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH hiện nay còn nhiều bất cập, việc ban hành Nghị định mới là điều cần thiết.
Tuy nhiên, việc sửa đổi cần được thực hiện đúng như mục đích, quan điểm xây dựng Nghị định đã đề ra. Đó là đảm bảo nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa tối đa những nội dung hợp lý, những quy định mang tính ổn định về mua bán hàng hóa qua Sở GDHH, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH qua các thời kỳ. Ngoài ra, chỉ nên sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tiễn nhưng vẫn phải đảm bảo tính tổng thể, tính khả thi và phù hợp với thực tiễn hoạt động của lĩnh vực này hiện nay.
Việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo hướng hạn chế tối đa các nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH là chính đáng và cần thiết. Tuy vậy các quy định tại dự thảo có xu hướng siết chặt quá mức có thể dẫn đến nguy cơ khiến thị trường ngưng trệ.
Thực tế điều hành vĩ mô cho thấy, điều hành theo phương thức “phanh gấp” đối với tất cả các bên tham gia thị trường là việc không nên, nhất là đối với lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở GDHH chưa thực sự phát triển ở nước ta, dù đã trải qua gần 20 năm, kể từ khi Luật Thương mại 2005 ra đời.
Không nên quy định ôm đồm các vấn đề ngoài phạm vi được giao
Luật Thương mại 2005 giao Chính phủ quy định chi tiết 7 nội dung gồm: Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH; điều kiện thành lập Sở GDHH; quyền hạn, trách nhiệm của Sở GDHH; việc phê chuẩn điều lệ hoạt động của Sở GDHH; điều kiện hoạt động của thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở GDHH; các biện pháp quản lý khẩn cấp; quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH ở nước ngoài của thương nhân Việt Nam.
Tuy nhiên, nội hàm dự thảo Nghị định lại quá rộng, lồng ghép nhiều mục tiêu khiến xa rời mục tiêu chính là “hướng dẫn thi hành” Luật Thương mại. Cụ thể, Luật Thương mại không giao hướng dẫn quy định nào về các nội dung liên quan đến “tổ chức thị trường hàng hóa tương lai” (Điều 27 Dự thảo), “hợp đồng tương lai” (điểm d khoản 1 Điều 3), “hợp đồng tiêu chuẩn” (Luật chỉ quy định hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn), “Hoạt động Sở GDHH” (Luật chỉ quy định hoạt động mua bán hàng hóa qua sở GDHH), Sàn GDHH tương lai chuyên biệt…
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết, khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2015 quy định “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết”.
Đồng thời theo Khoản 7, Điều 7 Luật này, cơ quan, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết.
Như vậy, theo Luật Ban hành VBQPPL, chỉ những điều, khoản, điểm nào được Quốc hội giao trong luật thì Chính phủ mới quy định chi tiết.
Cũng theo TS Minh, Điều 1 dự thảo Nghị định nêu: Nghị định này quy định chi tiết Luật Thương mại về bốn nội dung. Có nghĩa là phạm vi điều chỉnh của Nghị định là để quy định chi tiết Luật Thương mại về các vấn đề nêu trên, chứ không có quy định chi tiết Luật Đầu tư. Tuy nhiên, nội dung của dự thảo Nghị định đang “ôm đồm”, quy định chi tiết cả những vấn đề thuộc Luật Đầu tư như “nguyên tắc hoạt động và chức năng của Sở GDHH” (Điều 6 dự thảo Nghị định).
TS Cao Vũ Minh nói: Cần lưu ý là nguyên tắc hoạt động của Sở GDHH rộng hơn rất nhiều so với các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH. Thiết nghĩ, việc quy định về chức năng và nguyên tắc hoạt động của Sở GDHH là không cần thiết đối với Nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH.
Cần có Ủy ban kiểm soát Sở GDHH hay không?
Điều 29, 30 dự thảo Nghị định quy định về một đối tượng mới so với hiện nay là “Ủy ban kiểm soát Sở GDHH”. Theo dự thảo trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Sở GDHH được Bộ Công Thương chấp thuận thành lập, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị Sở GDHH phải thành lập Ủy ban kiểm soát.
Tuy nhiên, tờ trình chưa có nội dung thuyết minh, làm rõ nội dung này. Đồng thời, quy định bắt buộc phải có Ủy ban kiểm soát trong mô hình tổ chức Sở GDHH có thể ảnh hưởng đến quyền kinh doanh và quyền lựa chọn mô hình tổ chức quản lý của doanh nghiệp.
Hiện nay theo quy định của Luật Doanh nghiệp một số loại hình trong cơ cấu đã có Ban kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán. Việc vừa tồn tại Ban kiểm soát vừa có Ủy ban kiểm soát có thể tạo sự chồng lấn về nhiệm vụ, cồng kềnh về bộ máy, tăng chi phí vận hành, tuân thủ của doanh nghiệp.
Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước có đầy đủ công cụ quản lý để quản lý tiền kiểm lẫn hậu kiểm thông qua việc thẩm tra, thẩm định cấp phép và thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, thẩm quyền.
Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đánh giá lại chức năng nhiệm vụ của Ủy ban kiểm soát, cơ quan này có thực sự cần thiết hay không, giải quyết việc chồng lấn về nhiệm vụ với Ban kiểm soát ở một số doanh nghiệp như thế nào…?