Chỉ số MXV Index tăng 40.22 điểm ngày 27/4, tương đương mức tăng 1.35%. Mức tăng nhẹ này được hỗ trợ chính bởi thị trường năng lượng khi câu chuyện về tìm kiếm nguồn cung thay thế cho năng lượng từ Nga trở nên cấp thiết. Việc có thêm một số nước châu Âu chấp nhận thanh toán cho Nga bằng đồng Rub càng cho thấy sự bối rối của phương Tây trong việc trừng phạt Nga do gây ra cuộc chiến xâm lược tại Ukraine.
Nhóm Năng lượng:
Theo một tài liệu mà Reuters thu thập được, Bộ Phát triển Kinh tế Nga nhận thấy sản dầu thô của nước này trong năm 2022 có thể giảm tới 17%, một phần là do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo Reuters đã thu thập được một tập tài liệu của Bộ Phát triển Kinh tế Nga. Trong đó, cơ quan này dự đoán sản lượng dầu thô của Nga có thể sụt tới 17% trong năm 2022.
Cụ thể, sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm từ con số 524 triệu tấn hồi năm ngoái xuống còn khoảng 433,8 – 475,3 triệu tấn (tương đương 8,68 – 9,5 triệu thùng/ngày) trong năm nay.
Nếu thực tế đúng như dự đoán, đây sẽ là mức giảm sản lượng mạnh nhất kể từ những năm 1990, khi ngành công nghiệp dầu mỏ bị thiếu hụt vốn đầu tư. Hiện, Bộ Phát triển Kinh tế Nga không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Cũng theo Reuters, sản lượng “vàng đen” của xứ sở Bạch Dương đã bắt đầu đi xuống từ tháng 3 và giảm khoảng 7,5% vào giữa tháng 4.
Cũng theo tập tài liệu, xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga cũng dự kiến sẽ giảm trong năm nay. Xuất khẩu dầu được cho là sẽ đi từ 231 triệu tấn năm 2021 xuống còn 213,3 – 228,3 triệu tấn (tương đương 4,27 – 4,57 triệu thùng/ngày).
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng tác động của các lệnh trừng phạt do phương Tây ban hành và động thái tẩy chay của khách hàng đối với dầu thô của Nga có thể thể hiện đầy đủ từ tháng 5 trở đi. Mỹ đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nhắc biện pháp tương tự.
Nhóm Nông sản:
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã phát hành báo cáo Crop Progress (Tiến độ Mùa vụ) hàng tuần, và ảnh hưởng đến diễn biến giá của một số mặt hàng ngay sau đó.
Tính đến hết ngày 25/04, chất lượng lúa mì vụ đông tại Mỹ chỉ đạt 27% tốt – tuyệt vời, một trong những mức thấp nhất lịch sử, do tình trạng hạn hán kéo dài ở khu vực đồng bằng phía nam của nước này. Điều này đã khiến giá lúa mì Chicago tăng mạnh đến hơn 2% trong phiên hôm qua. Đà tăng của các mặt hàng lúa mì bị hạn chế trong phiên tối sau khi Canada cho biết, tổng diện tích gieo trồng lúa mì của nước này dự kiến sẽ tăng từ 23,4 lên 25 triệu mẫu trong năm nay.
Cũng theo báo cáo Crop Progress, tiến độ gieo trồng ngô Mỹ hiện mới chỉ đạt 7% diện tích dự kiến, chậm hơn một nửa so với tốc độ trung bình 5 năm trở lại đây, do thời tiết lạnh và ẩm quá mức ở phía bắc khu vực Midwest khiến cho nông dân chưa thể gieo hạt. Tốc độ chậm hơn dự đoán và ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của lúa mì cũng giúp giá ngô vượt lại mức kháng cự tâm lý 800 cents.
Nhóm Nguyên liệu Công nghiệp:
Khảo sát hồi 7h sáng nay, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 5/2022 ghi nhận mức 246,9 yen/kg, tăng 0,04% (tương đương 0,1 yen/kg).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2022 được điều chỉnh lên mức 12.485 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,24% (tương đương 30 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Trong hai tháng đầu năm 2022, Ấn Độ nhập khẩu 97,01 nghìn tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 186,86 triệu USD, tăng 28,7% về lượng và tăng 45,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cà phê robusta tại London giao tháng 5/2022 được ghi nhận tại mức 2.021 USD/tấn sau khi giảm 0,64% (tương đương 13 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại New York đạt mức 215,95 US cent/pound, giảm 2,46% (tương đương 5,45 cent).
Áp lực bán cà phê của niên vụ 2021 – 2022 từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục, trong khi một số nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia đã bước vào thu hoạch vụ mùa mới của năm nay với các dự báo ban đầu rất lạc quan cũng khiến xu hướng đầu cơ trên các thị trường bị chững lại.
Điều này kết hợp với khả năng nâng lãi suất cơ bản sắp tới của các ngân hàng trung ương lớn đã khiến các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong việc cân đối, thanh lý trên các thị trường kỳ hạn nói chung.
Nhóm Kim loại:
Giá thép hôm nay tăng lên mức 4.887 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá thép không gỉ kỳ hạn của Trung Quốc liên tục đi xuống trong bối cảnh giá niken nguyên liệu giảm mạnh và tiêu thụ ở hạ nguồn đang khá yếu ớt.
Khảo sát hồi 9h30 ngày 27/4. Giá thép giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 70 nhân dân tệ lên mức 4.887 nhân dân tệ/tấn. Vào hôm thứ Ba (26/4), giá thép không gỉ kỳ hạn của Trung Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp, sau khi giá niken nguyên liệu giảm mạnh. Theo đó, giá nickel kỳ hạn SNIcv1 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giảm 6,8% xuống 205.880 nhân dân tệ/tấn, tiếp tục đè nặng lên giá thép không gỉ.
Trong khi đó, tiêu thụ ở hạ nguồn đang khá yếu ớt do sự lan rộng của đại dịch COVID-19 làm suy giảm tâm lý trên thị trường. Cụ thể, hợp đồng thép không gỉ SHSScv1 giao tháng 6/2022, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn SHFE, giảm 1,4% xuống 19.225 nhân dân tệ/tấn (tương đương 2.936,28 USD/tấn).
Đây là mức đóng cửa thấp nhất theo ghi nhận kể từ ngày 4/3. Trước đó trong phiên, mức giao dịch của hợp đồng này cũng đã giảm 4% xuống 18.720 nhân dân tệ/tấn.
TIN TRONG NƯỚC:
Giá lúa gạo hôm nay 27/4: Đồng loạt đi ngang tại nhiều giống lúa, gạo và nếp
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (27/4) chững lại tất tất cả giống lúa được khảo sát. Cụ thể, lúa IR 50404 đang có giá là 5.400 – 5.600 đồng/kg, Đài thơm 8 giữ nguyên giá so với hôm qua là 5.700 – 5.900 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) giao dịch trong khoảng 11.500 – 12.000 đồng/kg, Nàng hoa 9 thu mua tại mốc 5.900 – 6.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá từ 8.000 – 8.500 đồng/kg, lúa OM 5451 duy trì trong khoảng 5.600 – 5.700 đồng/kg và OM 18 có giá là 5.750 – 5.800 đồng/kg.
Giá nếp hôm nay đi ngang. Trong đó, giá nếp AG (tươi) đang là 5.600 – 5.700 đồng/kg, nếp Long An (tươi) có giá là 5.600 – 5.850 đồng/kg và nếp ruột giữ nguyên giá thu mua ở mức 14.000 – 15.000 đồng/kg.